Văn hóa Krông Pa

Vì thế Krông Pa được mệnh danh là xứ sở "NHẤT THỔ, TỨ SƠN, THẤT GIANG, LƯỠNG PHÚ QUÝ" (nghĩa là: Một dải đất có 4 núi, 7 sông, phú quý nhân đôi".

Huyện có 2 dân tộc chiếm số lượng dân cư đông nhất là người Jrai (người Gia-Rai) và người Kinh. Ngoài ra, trên vùng đất hiện còn có một bộ phận nhỏ dân cư thuộc các dân tộc ít người khác như Tày, Nùng...

Kết quả khảo cổ học đã chứng minh, Gia Lai là vùng đất sớm được con người chọn làm địa bàn cư trú. Trên vùng đất nay là Krông Pa, tuy chưa được điều tra cơ bản về khảo cổ học, nhưng một số phát hiện mới nhất cho thấy có những dấu vết cư trú của con người trên vùng đất này từ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí.

Hiện nay bộ phận dân cư sinh sống lâu đời nhất trên vùng đất là người Jrai thuộc nhóm Mthur, chiếm 68% dân số. Đây là một trong năm nhóm Jrai địa phương của tỉnh Gia Lai, thuộc ngữ hệ Đảo (Malayo- Polinesien). Người Jrai Mthur gồm 2 bộ phận, một bộ phận là những cư dân thuộc các làng đã sinh sống ở vùng này từ lâu đời và bộ phận dân cư thứ hai di chuyển từ phía đông lên muộn hơn. Điển hình của bộ phận dân cư đến sau này là Nhóm dân ở buôn Ơi Nu (xã Ia Sươm).

Tổ chức, cơ cấu xã hội truyền thống của đồng bào Jrai Mthur cũng như các nhóm dân tộc Jrai trên địa bàn tỉnh là làng. Ở khu vực, người Jrai gọi làng của mình là buôn hoặc bôn.

Buôn làng của người Jrai ở là kết cấu xã hội điển hình và bền vững, một cộng đồng cư trú của cư dân. Người Jrai Mthur thường chọn những vùng đất ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất để lập làng. Quy mô làng lớn hay nhỏ, số các gia đình trong mỗi buôn nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đất canh tác và môi trường sống. Mỗi buôn làng bao gồm nhiều gia đình lớn mẫu hệ hoặc gia đình nhỏ mới được chia tách. Người Jrai ở cư trú trong những ngôi nhà sàn dài. Trước kia, cửa chính của những ngôi nhà dài thường mở ở đầu hồi phía bắc. Tên làng thường được đặt theo nguồn nước, hoặc tên người lập làng.Trong từng gia đình, theo truyền thống mẫu hệ, vai trò và quyền lực của người phụ nữ rất được coi trọng.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại khu vực nay là thị trấn Phú Túc đã có một bộ phận người Kinh ở đồng bằng ven biển miền Trung lên quan hệ giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá với cư dân bản địa và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Làng Quang Hiển (xã Đất Bằng), thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần)... là làng Việt được lập trên đất sớm nhất. Tại thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, dân làng đã lập đền thờ Tiền Hiền của làng là ông Phan Hữu Phàn[1], người có công đưa những người Kinh đầu tiên từ Phú Yên lên lập làng trên vùng đất vào năm 1925.

Do cư trú trong khu vực tiếp giáp với người Jrai Chor, người Ê Đê (ở Đak Lak) và người Chăm Hroi (ở Phú Yên) nên đặc điểm văn hóa của người Jrai ở Krông Pa ít nhiều có sự khác biệt so với các nhóm Jrai khác cùng trong tỉnh.

Nằm trên vùng văn hoá cổ của Tây Nguyên, văn hoá các dân tộc mang đậm bản sắc dân gian truyền thống, phong phú và độc đáo. Do địa bàn tiếp giáp với tỉnh Đak Lak và Phú Yên, nền văn hoá ít nhiều ảnh hưởng văn hoá của các dân tộc Ê Đê và Chăm.

Trên địa bàn huyện còn lưu lại dấu tích văn hoá Champa cổ. Tại xã Đất Bằng, trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một bức phù điêu Chăm[1]... và trên địa bàn buôn Jú, xã Krông Năng cũng đã phát hiện một dấu tích tháp chàm có tên gọi Bang Keng[2]. Phế tích của tháp Bang Keng nằm trên bờ bắc sông Krông Năng, khuất lấp trong một lùm cây rậm rạp có dây leo bao phủ. Người dân buôn Jú và vùng phụ cận với tín ngưỡng đa thần, đều cho rằng Bang Keng là sang yang ia (nhà của thần nước). Những dấu văn hóa Champa trên vùng Krông pa là cơ sở để khẳng định rằng từ xa xưa người Chăm đã từng hiện diện như một bộ phận dân cư trên vùng đất này.

Trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú.

Văn hoá vật thể thể hiện qua cấu trúc đơn vị buôn làng, nhà cửa, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ... Nhóm người Jrai Mthur cũng như Jrai Chor khu vực Cheo Reo - đều không có nhà Rông - ngôi nhà chung của buôn làng, mọi sinh hoạt trong cộng đồng được tổ chức tại một gian gọi là gian khách (amang) của ngôi nhà dài của chủ làng (khoa bôn, buôn). Nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong đại gia đình, đó cũng còn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, uống rượu cần và tiến hành các công việc của cộng đồng theo luật tục... Kiến trúc nhà dài với nghệ thuật điêu khắc trang trí mang những sắc thái riêng của dân tộc Jrai Mthur- Krông Pa.

Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc còn là nền mỹ thuật mang đậm tính đặc thù nguyên bản trong trang trí tượng nhà mồ, tượng nam nữ, mẹ bồng con, tượng động vật... tái hiện lại những sinh hoạt của con người bên cạnh thế giới của người đã khuất. Các tượng gỗ được tạc tuy đường nét thô phác nhưng sống động, thể hiện lòng khát khao tự do, tình yêu nam nữ, tình yêu cuộc sống. Những mô típ trang trí trên cây nêu trong lễ hội đâm trâu, hoa văn trên vách nhà, hình khắc trên cột nhà, cầu thang và hoa văn trang trí trên đồ đan lát, gùi... đều thể hiện sự quan sát tinh tế và phản ánh tình cảm của nghệ nhân.

Hoa văn trang trí trên trang phục như: tấm choàng, khố, các loại áo chui đầu, váy quấn cũng mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào vùng Krông Pa. Người Jrai Krông Pa cũng đặc biệt ưa thích các loại đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, tay... bằng đồng, bạc, hạt cườm các loại.

Văn hoá nghệ thuật dân gian của người Jrai Mthur Krông Pa thể hiện đời sống văn hoá tinh thần phong phú, với nhiều loại hình như sử thi, truyện cổ, múa, hát dân ca... Sử thi là di sản văn học dân gian tiêu biểu của cư dân Jrai, người Jrai gọi sử thi là là Hơri hay akhan. Loại hình văn học dân gian này là đặc trưng văn hóa của vùng Tây nguyên và mang bản sắc riêng của từng dân tộc, ở khu vực người Jrai Krông Pa, sử thi vẫn được truyền tụng và diễn xướng trong sinh hoạt của cộng đồng. Ngoài sử thi, trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào vùng còn lưu truyền nhiều truyện cổ, truyện thơ, câu đố, nói vần, ca dao...

Cũng như các dân tộc khác, người Jrai Mthur - yêu thích âm nhạc, được thể hiện trong những dịp lễ hội cộng đồng hoặc dòng họ. Các nhạc cụ như cồng chiêng, kơ nhí, kơ tía, tơrưng,... là những nhạc cụ tiêu biểu. Âm nhạc và nhạc cụ gắn liền với sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng. Cồng chiêng ngoài chức năng là nhạc cụ, còn được coi là tài sản quí, vật linh thiêng của cộng đồng, xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ, gắn bó với cuộc sống của mỗi con người, là một phần không thể vắng mặt trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.

Ngày nay, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Người Jrai Krông Pa tự hào rằng văn hóa cồng chiêng của họ cũng là một bộ phận quan trọng làm nên một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chiêng được coi là tài sản quí và thường được lấy để so sánh sự giàu có của từng gia đình trong buôn làng. Trước kia, theo quan niệm của đồng bào, những tù trưởng giàu có trong cộng đồng là những người có nhiều chiêng, nhiều ché. Sau ngày đất nước giải phóng, trong các buôn làng đều còn lưu giữ ít nhất vài ba bộ chiêng. Ngày nay, trong khu vực người Jrai ở Krông Pa vẫn lưu giữ được hơn 500 bộ cồng chiêng; Krông Pa cũng tự hào bởi có những nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng, còn lưu giữ được nhiều bài chiêng cổ trong khu vực tam giác các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Phú Yên như Nay Phai.

Lễ hội cổ truyền là sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá làm nên bản sắc riêng trong văn hóa Krông Pa. Trong cộng đồng người Jrai trong huyện có hai hệ thống lễ hội chính: Lễ hội vòng đời người như thổi tai, lễ trưởng thành, cầu sức khoẻ và lễ cúng tang, bỏ mả (Hoă lui) sau khi chết. Lễ hội trong một chu kỳ canh tác nương rẫy thường được tiến hành theo chu kỳ của một mùa vụ tính từ khi phát rẫy, trỉa hạt, đến khi thu hoạch, như lễ trỉa lúa, cầu mưa, mừng lúa mới... Lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của cộng đồng, trong đó lễ hội đâm trâu (hiến sinh trâu) là lễ hội đặc trưng lớn nhất được duy trì và phát triển, thường được tổ chức trong các lễ mừng chiến thắng, khánh thành nhà mới... Lễ hội thể hiện bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc. Tinh thần thượng võ, tình cảm chân thật của đồng bào dân tộc thể hiện qua những tiếng chiêng ngân, điệu soang, qua trang phục và lời khấn cúng của già làng và cả trong men rượu cần nồng say. Lễ hội mang đậm tính tự nhiên và quan hệ con người, thể hiện sự gắn bó gần gũi giữa con người với tự nhiên và sự hoà đồng giữa con người với con người trong cộng đồng gắn kết bền vững.

Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với đời sống cộng đồng buôn làng. Về tín ngưỡng dân gian, buôn làng chính là cộng đồng mang tính tâm linh. Đồng bào Jrai Mthur - luôn mang một ý niệm về một lực lượng siêu nhiên thần bí tồn tại (Yang) bảo vệ con người trước những rủi ro trong đời sống hàng ngày. Trong tiềm thức của đồng bào, có một lực lượng vô hình trong thế giới tự nhiên luôn tác động đến mọi mặt hoạt động của con người. Do vậy, nghi lễ thờ cúng đều liên quan đến các vị thần, nhằm cầu mong điều tốt lành đến với mọi người như các thần ruộng rẫy (yang hma), thần bến nước (yang pin ia), thần núi (yang chư), thần làng (yang bôn), thần nhà (yang sang)... đó là những vị thần được coi trọng hơn cả trong cuộc sống của người dân.

Cũng như vùng Cheo Reo, đồng bào Jrai đã sớm có chữ viết. Cụ Nay Der, buôn Ơi Nu- nhà giáo đầu tiên của đồng bào Jrai vùng Cheo Reo đã sớm nghiên cứu, phiên âm chữ viết cho người Jrai trên cơ sở mẫu tự Latinh do người Pháp khi đặt chân xâm lược lên Tây nguyên đặt ra. Tuy chữ viết Jrai phổ biến chưa rộng, nhưng đồng bào Jrai đã có chữ viết riêng của mình để tập đọc, tập viết trong thời kỳ sau cách mạng tháng 8 năm 1945.